Đau khổ vì chồng kiếm được nhiều tiền

Ai cũng bảo tôi sướng vì chồng làm ra nhiều tiền. Tôi cần gì phải đi làm, cứ “ngồi nhà mát, ăn bát vàng”.

Hàng ngày đọc báo hay đến cơ quan, tôi vẫn thấy mọi người bàn tán nhiều về chuyện lương, thu nhập càng ngày càng khó khăn. Trong khi đó tôi vẫn“đủng đà đủng đỉnh” thoải mái chi tiêu, không phải cân nhắc mua cái này thôi cái kia… Ai cũng bảo tôi sướng bởi tháng nào chồng cũng đưa 70 triệu tiền lương mà không bao giờ dò xét vợ tiêu pha thế nào.

Song “có ở trong chăn mới biết chăn có rận”. Nhiều lúc tôi rất chán nản với cuộc sống hiện tại của mình, thậm chí đã nghĩ đến ly hôn. Nhiều người có thể sẽ bảo tôi “sướng quá hóa rồ”, là điên khùng nhưng chỉ những ai trong hoàn cảnh của tôi mới hiểu, tiền không phải là tất cả.

Hai vợ chồng tôi cưới nhau đã được 8 năm, có hai con gái. Ba năm đầu sau khi cưới, vợ chồng tôi phải trải qua rất nhiều khó khăn, tằn tiện chi tiêu để có tiền nuôi con, mua nhà. 5 năm trở lại đây, chồng tôi thay đổi công việc nhà nước, chuyển sang làm cho một tập đoàn nước ngoài lớn ở Việt Nam nên thu nhập có thể được coi là “khủng”. Cuộc sống vật chất của cả gia đình tôi cải thiện lên rất nhiều, tuy nhiên hạnh phúc cũng dần mất đi.

Ảnh minh họa

Công việc của anh đòi hỏi thời gian và trí lực rất nhiều, anh hay phải đi công tác vì vậy thời gian dành cho vợ con rất ít. Đa số là 7h kém anh đã đi làm và trở về nhà lúc 21h, thậm chí có hôm là 22h. Thứ Bảy, Chủ nhật nhẽ ra dành cho vợ con thì anh thường xuyên tụ tập bạn bè nhậu nhẹt thậm chí là đánh bài. Trên bàn nhậu, anh xài tiền không tiếc tay với bạn bè.

Mọi việc nhà, chăm sóc con cái anh đều giao cho tôi hết. Mặc dù nhà có người giúp việc nhưng cô ấy chỉ phụ giúp tôi được lau dọn nhà cửa, nấu cơm còn việc đưa đón con đi học, dạy con vẫn phải đến tay tôi. Khi con ốm, đau cũng chỉ mình tôi xin nghỉ việc đưa con đi khám. Có thông báo với anh, anh cũng chỉ hỏi qua loa, bảo không thể nghỉ làm được. Tôi tự hiểu, anh coi trách nhiệm chăm sóc con là của tôi, anh chỉ việc kiếm tiền là đủ.

Tôi cũng phải nói rõ thêm là với khoản tiền 70 triệu chồng tôi đưa hàng tháng đó, tôi sẽ phải lo biếu bố mẹ chồng mỗi tháng 5 triệu, chưa kể mua quà cáp, thuốc thang cho ông bà, thỉnh thoảng cho các cháu, anh em nhà chồng tiền vì chồng tôi là người thành đạt nhất…. Chồng tôi cũng là người rất tốt với anh em bạn bè, người ngoài. Nếu ai khó khăn, anh sẵn sàng cho bạn bè vay. Nhiều khi tiền lương anh vừa chuyển khoản cho tôi được 1 ngày, anh đã bảo tôi rút ra để cho họ vay. Tôi không hẹp hòi nhưng nghĩ rằng phải tùy từng người, tùy hoàn cảnh đáng để cho họ vay chứ không thể ai cũng dễ dàng. Nói với chồng điều này, anh gạt phắt ý của tôi bảo tôi cứ làm theo, đừng đôi co bởi “tiền anh đưa em thế tiêu sao hết”.

Càng ngày anh càng ít quan tâm, để ý đến tôi. Những ngày lễ như 8/3, 20/10, sinh nhật, tôi chẳng nhận được quà từ chồng dù chỉ đơn giản là bông hoa, lời chúc. Nhìn đồng nghiệp, chị em bạn bè được chồng quan tâm mà tôi chạnh lòng. Những lúc đó, tôi thầm nghĩ giá như chồng mình đưa ít tiền cho mình hơn mà mình được chồng yêu thương thế còn hơn…

Tôi vốn là một phụ nữ nhạy cảm, có học thức nên hay suy nghĩ. Tôi quan niệm rằng, tiền là rất quan trọng nhưng không phải là thứ duy nhất làm nên hạnh phúc. Vợ chồng cần phải có sự tôn trọng, yêu thương, đồng thuận. Vậy mà cách đây 1 tháng, anh không hỏi ý kiến tôi đã đồng ý cho một cô cháu họ ở quê đến nhà tôi ở. Cô bé ấy mới 17 tuổi, học hết lớp 12 nhưng không đỗ đại học, lên Hà Nội học nghề uốn tóc. Không phải tôi quá để ý, xách mé nhưng cô cháu họ đó không được ngoan, lễ phép. Mới ở nhà tôi vậy mà đã tự ý rủ các bạn mình về nhà chơi, không xin phép tôi. Thú thực là tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi lo lắng hai con gái mình còn nhỏ, các cháu sẽ bị ảnh hưởng nếu sống cùng một chị họ như vậy. Đem lo lắng và không hài lòng này nói với chồng, tôi bị anh dội một gáo nước lạnh vào đầu: “Sao em ích kỷ thế. Cháu nó từ quê ra, bố mẹ nó nghèo, nhà mình rộng, cháu ở nhà mình có ảnh hưởng gì đâu. Em cứ lo xa”.

Càng ngày tôi càng thấy giữa mình và chồng có khoảng cách. Có phải vì anh kiếm được nhiều tiền nên cho mình cái quyền được quyết định mọi thứ trong gia đình? Ngay cả việc coi thường vợ?

0 nhận xét: